Chú Giải Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXXII Mùa Thường Niên (Lc 17:11-19) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ TUẦN XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 17,11-19

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Tt 3, 1-7

Qua các thư mục vụ ( gửi cho Timôthê và Titô) Phaolô thành lập hàng giáo phẩm trong Hội Thánh : “ Các Giám mục”, các “Linh mục”, các “phó tế”. Các vị này có nhiệm vụ chăm sóc các “Giáo hội đại phương” và nhiệm vụ căn bản của họ là giảng dạy. Họ phải giảng dạy một “giáo lý tốt lành”, một giáo lý hướng dẫn con người trong các hành vi thực tiễn. Nào, chúng ta hãy lắng nghe Thánh Phaolô.

Con thân mến, hãy nhắc nhở cho ai nấy phải phục tùng và tuân lệnh và các nhà chức trách, các nhà cầm quyền.

Thỉnh thoảng người ta trình bày các Kitô hữu tiên khởi như những hạng người cách mạng âm mưu phá hoại luật lệ của đế quốc Rôma. Thực sự có một cuộc cách mạng nội tâm chính đáng đang manh nha, một cuộc cải tiến xã hội cũ…nhưng điều đó thể hiện bằng cách thay đổi tâm trạng, chứ không phải bằng cách “cướp chính quyền” hay bằng cách hành động có tính cách chính trị.

Phaolô cũng như các vị tiên khởi đã không rơi vào cạm bẫy mà thế gian giăng cho Hội Thánh qua mọi thời…để Hội Thánh nghiêng hẳn về lãnh vực hoàn toàn nhân loại ( một xã hội như tất cả các xã hội khác, một đoàn thể áp lực như các “phe đảng” khác của xã hội). Đức Giêsu đã chống lại quan điểm ấy khi Người nói : “Cái gì của Xêda thì trả lại cho Xêda”.

Phaolô trong một kiểu nói tương tự, khuyên bảo phải phục tùng các quyền bính của xã hội hành chánh.

Phải sẵn sàng làm mọi việc tốt.

Đối với Phaolô, nhà nước có phận sự lo cho “công ích” và các Kitô hữu phải là những công dân gương mẫu giữa thế gian : phải sẵn sàng làm cho mọi việc tốt… Một kiểu nói đáng phục.

Làm sao nói được chúng ta là những chứng nhân của tình thương Thiên Chúa đối với loài người, khi chúng ta khinh rẻ họ, hoặc là chúng ta đứng ngoài lề xã hội không muốn tham gia vào công việc chung để giúp ích cho anh em mình ?

Trong các khu xóm, các xí nghiệp, các học đường, trong các đoàn thể đủ loại…các Kitô hữu có sẵn sàng hoà mình không?

Đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người.

Phaolô kêu mời Titô nhắc nhở các điều ấy cho các tín hữu : họ phải ăn ở tốt lành, hiền hòa với các người không phải là Kitô hữu ( và cả với nhau nữa, tại sao không?).

Lạy Chúa, thật đúng vậy, lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn ấy!

Các Kitô hữu: là kẻ biết “làm lành”.

Các Kitô hữu: là kẻ “hiền hoà”.

NGÀY NAY, phải diễn tả làm sao, các tiếng này? tỉ như… sẵn sàng giúp đỡ. Quảng đại. Vồn vã. Bặt thiệp. Dấn thân phục vụ kẻ khác. Ân cần-Dễ thương. Tùy theo tính tình hay môi trường xã hội của ta mà các lời trên có thể “hấp dẫn” hay “gây khó chịu”. Nhưng điều đáng kể, chính là thái độ mà các từ đó hàm ngụ. Và trong một đoàn thể nhân loại nào, thì ta phải giữ thái độ như thế!

Thật vậy, cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, gian ác, đáng ghét… Nhưng Thiên Chúa Đấng cứu-độ chúng ta đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì chúng ta đã làm những việc đáng thưởng, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần.

Chính ân sủng (hành động của Thiên Chúa), được biểu thị và ban xuống cách đặc biệt qua phép thanh tẩy, mới là nguồn mạch sự tái sinh nội tâm: người Kitô hữu bề ngoài là người như mọi người, nay trở nên một “tạo vật mới”…Phép Thánh Tẩy đòi buộc người Kitô hữu dấn thân vào thế gian.

Bài đọc II: Kn 6, 1-11

Tác giả sách Khôn Ngoan, giả thiết coi mình như vua Salomôn. Đặt các suy tư vào môi miệng vị vua này, ông tự cho phép đưa ra những lời khuyên tốt đẹp cho “các chức quyền” thời mình. Điều đó vẫn luôn có giá trị đối với mọi người nắm giữ “các trọng trách”.

Hỡi các vua Chúa, hãy nghe và hãy hiểu; hỡi các thủ lãnh trần gian, hãy học biết. Hỡi các vị lãnh đạo quần chúng, các ngươi kiêu hãnh vì dân các người đông đảo, xin lắng nghe.

Giữ sự quân bình, điều sắp được nói tới là đúng thực đối với mọi người đàn ông lẫn đàn bà: mỗi người trong chúng ta đều có một phần trách nhiệm về một điểm này hay điểm nọ.

Trước hết, một thái độ khiêm tốn: chấp nhận “để được giáo hóa”, “lắng nghe”. Đừng tưởng mình đã đạt đích, thành toàn, lo để luôn thủ đắc khả năng mới.

Quyền bính của các người là do Chúa ban.

Các truyền thống cổ xưa Do-thái đã thấy nơi các vua dòng David là đại diện của Thiên Chúa… Nhưng người ta chưa hề dám nói là vua lương dân cũng lãnh lấy quyền lực từ Thiên Chúa ! các sứ ngôn đã trình bày vài thủ lãnh lương dân như các “dụng cụ” Chúa có thể dùng cách ngẫu nhiên ( chẳng hạn Cyrô trong Isaia). Ở đây tác giả sách Khôn Ngoan đi xa hơn nhiều. Mọi trách nhiệm đến từ Thiên Chúa, Đấng “sẽ tính sổ !”.

Người sẽ chất vấn mọi hành động và kiểm soát những tư tưởng các ngươi.

Thay vì áp dụng điều đó cho người khác, tôi cố nghĩ tới các trách nhiệm riêng của tôi dưới góc độ này.

Lạy Chúa, xin giúp mọi người đáp lại niềm đợi mong của Chúa. Xin giúp con “lãnh lấy các trách nhiệm của con”. Dưới mắt Chúa vì nghĩ rằng các quyết định mà con được dẫn tới liên quan tới Chúa, Chúa chất vấn và Chúa đòi con tính sổ.

Lạy Chúa, con cầu xin Chúa đích danh cho những người đang lãnh những trọng trách trong xã hội trần thế : các lãnh tụ quốc gia, các người lãnh trách nhiệm về kinh tế, các lãnh tụ đảng phái chính trị, nghiệp đoàn, thành phố, khu phố, các nhóm đủ loại.

Lạy Chúa, con cầu xin Chúa đích danh cho các bậc hữu trách trong Hội Thánh đang lãnh các trọng trách : Đức Giáo hoàng, các Giám mục, Linh mục, các người chịu trách nhiệm các phong trào và các phận vụ trong Hội Thánh.

Con cầu xin Chúa cho những người lãnh Chúa nhiệm về “quyền lực mới mẻ” là quan niệm quần chúng : các phóng viên, các nhà tổ chức phát thanh…

Vì các ngươi là những quản lý Nước Chúa, mà không xét xử công minh, không giữ luật công bình, không sống theo thánh ý Thiên Chúa, thì người sẽ xuất hiện trên các ngươi cách kinh hoàng mau lẹ. Đối với những kẻ thấp hèn, thì Người sẽ thương xót, còn những người quyền thế, Người sẽ lấy quyền thế mà trừng trị.

Ở đây, tác giả lấy lại sự khôn ngoan của quần chúng theo bản năng cảm thấy những sự đó.

Thiên Chúa không lùi bước trước trước mặt ai, chẳng sợ chức bậc nào.

Thật sự các lãnh tụ thường bị cám dỗ tin mình là chủ tuyệt đối không còn ai trên họ! Chớ gì họ biết rằng quyền lực của họ không đến từ “gia phả”, cũng chẳng phải từ sự gan dạ hay sự cao cả riêng của họ.

Thiên Chúa, được quan niệm như bảo đảm tuyệt đối của sự ngay chính trong các tương quan nhân loại sống nơi trần gian: mọi người đều tuân phục một chủ tể, và không thiên vị và công chính.

BÀI TIN MỪNG: Lc 17, 11-19

Trên đường đi Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua biên giới hai miền Samaria và Galilê.

Chúng ta đừng bao giờ quên đoạn văn này.

Đức Giêsu đang đi đường. Người tiến bước.

Đó là cuộc hành trình cuối cùng của Người. Người đi “lên Giêrusalem”, nơi người ta giết hại các Ngôn sứ. “Không lẽ một Ngôn sứ lại phải chết ngoài Giêrusalem”. ( Lc 13, 33).

Con đường thập giá, con đường của Đức Giêsu đã được bắt đầu từ lâu. Tôi hãy chiêm ngắm Đức Giêsu đang tiến lên Giêrusalem, cách tự do, ý thức, tình nguyện, biết rõ Người đi đâu.

Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đàng xa, và kêu lớn tiếng…

Luật của Môsê rất khắt khe: “Người bị phun có vết thương nơi mình, thì áo xống phải xé tả tơi, đầu để tóc rối che mình để râu mép và kệu: “Nhơ, nhơ !” ( Lv 13, 45).

Do đó, những kẻ đáng thương này trong số những kẻ đáng thương nhất, luôn tôn trọng lề luật: họ kêu lên từ đàng xa.

Tôi cố gợi lại cảnh trên.

Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi.

Đó là một lời kêu xin lớn tiếng của toàn thể nhân loại khổ đau.

Một lời nguyện xin mà ta thường lặp lại trong thánh lễ: “Xin thương xót chúng con”. Chớ gì đừng khi nào tôi sợ kêu lên với Chúa, để kêu cầu lòng thương xót của Người.

Trong Kinh Thánh bệnh phong hủi thường là biểu tượng của tội lỗi, là sự dữ biến dạng. Không phải là vô ích khi gợi lại hình ảnh trên. Nó đánh động cảm xúc ta, để giúp hiểu hơn thế nào là tội lỗi đối với Thiên Chúa.

Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.

Đó cũng là điều luật quy định ( Lv 14, 2).

Thoáng qua, ta cũng nhận ra đó là bức gương tuyệt đẹp về việc Đức Giêsu tuân phục các quyền bính của Quê hương Người.

Trong khi đi thì họ được khỏi bệnh. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn.

“ Lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa” . “Tạ ơn”.

Đó là thái độ cốt yếu của “kẻ được cứu giúp”. Thái độ quan trọng của người tham dự “eucharistia”, tiếng Hy lạp, có nghĩa là “tác động tạ ơn”.

Lạy Chúa, xin giúp con biết nhận ra các ân huệ của Chúa… Xin giúp con biết cầu nguyện với niềm vui, hạnh phúc của con, với ân huệ của Chúa.

Mỗi chiều tối, hãy nghĩ đến việc nhìn lại một ngày sống để tạ ơn. Hãy đến với nghi thức tạ ơn, với tâm hồn tràn đầy niềm vui vì những điều kỳ diệu của Thiên Chúa. Trong giây phút cử hành phụng tự, hãy sẵn sàng “lớn tiếng” tôn vinh Thiên Chúa.

Tôi hình dung ra cảnh người phung hủi được chữa lành, những tiếng reo vui, điệu bộ của anh…

Anh ta lại là người Samari.

Đó là một tài liệu mới được gộp vào hồ sơ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Con người bị khinh miệt, chủng tộc bị kỳ thị… trở nên gần gũi với Đức tin chân thực hơn cả những kẻ cứ tưởng mình đang sống trong tôn giáo tốt đẹp.

Một lần nữa ( sau dụ ngôn người Samari nhân hậu : Lc 10, 30), Đức Giêsu lại đưa những kẻ mà người Do-thái khinh thị, làm gương mẫu. Nhờ những đức tính căn bản đích thực, người ngoại giáo có thể gần gũi Thiên Chúa hơn cả các tín hữu.

Ngang qua các sự kiện trong Tin Mừng trên đây, ta đoán được Tin Mừng đã mở rộng đến các dân tộc, mà từ trước vẫn ở ngoài mối liên hệ với Dân Thiên Chúa.

Thế thì chính người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại quốc này?

Tôi cầu nguyện cho mọi “người Samari”, những người xa lạ với đức tin của ta… cũng như cho tất cả các tín hữu không biết tôn vinh Thiên Chúa.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Mười người phong cùi

HOÀN CẢNH:

Đây là lần thứ ba thánh sử Luca nhắc đến cuộc hành trình của Đức Giêsu đi Giê-Ru-Sa-Lem (9,51-13,10;13,11-17,10; 17,11-19,28) và lần này trên đường đi Giê-Ru-Sa-Lem, khi qua biên giới hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê, thì có một nhóm người phong cùi đến gặp Chúa.

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Đức Giêsu chữa lành cho mười người phong cùi để trình bày cho chúng ta lòng biết ơn Thiên Chúa.

TÌM HIỂU:

11-13 ”Trên đường đi Giê-Ru-Sa-Lem”

Trên đường đi Giê-Ru-Sa-Lem Mừng lễ vượt Qua và chịu chết (Lc 18,35), lúc đi tới một làng ở giữa ranh giới Samari Và Galilê, Đức Giêsu gặp mười người phong cùi ra đón đường. Họ đứng xa và kêu xin Người chữa bệnh. Vì luật Do Thái (Lv 13,45-46) không cho người bệnh phong cùi sống chung với mọi người khác.

“Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi”: lời kêu xin này biểu lộ niềm tin vào Đức Giêsu, chữa trị được bệnh cho họ, vì xin ai điều gì thì tin người đó có điều mình xin.

11 ”Hãy đi trình diện với các tư tế…”:

Theo luật,những người bị bệnh như phong cùi phải sống cách ly, nếu được khỏi bệnh thì phải đi trình diện với các thầy tư tế mới được chứng nhận để sống hòa nhập với xã hội. Ơ đây Chúa nói với những người bệnh phong cùi đi trình diện trước khi khỏi bệnh, có ý thử luyện lòng tin của họ. Vì đức tin phải được thử luyện qua những thử thách để được lớn mạnh.

- Những người phong cùi đi trình diện: diễn tả đức tin tuyệt vời của họ, vì họ tin và thi hành theo điều mình tin.

- Và “đang khi đi thì họ được sạch”. Đây là hiệu quả của đức tin.

15 ”Một người trong bọn họ…”:

nhận thấy ơn phúc được khỏi khỏi bệnh cùi cách lạ, một trong số mười người trở lại tôn vinh Thiên Chúa cho thấy người này quả thực đã tin nhận vào Đức Giêsu là đấng cứu chữa mình, vì biết quý trọng người ban cho hơn của cho. Đó là thái độ biết ơn cách chân thực.

16 ”Anh ta sấp mình…”:

Người Samaria không bị ràng buộc do luật trình diện nên người này đã thong dong đến với Chúa trong tâm tình suy phục Chúa là Đấng cứu chữa mình.

17-18” Đức Giêsu mới nói…”:

đặt câu hỏi này, Đức Giêsu muốn tuyên bố cả mười người được khỏi hết, nhưng chỉ có một người ngoại này đến tạ ơn Thiên Chúa, như vậy Chúa cũng ngầm trách chín người Do Thái kia vì vụ luật trình diện, nên đã không đến tạ ơn Thiên Chúa. Những người này coi trọng của cho hơn người cho. Đức Giêsu dùng kiểu nói”tôn vinh Thiên Chúa” là để mạc khải chính Người là Đấng Cứu Thế đến để giải thoát con người khỏi ách của sự chết do tội lỗi.

19” Rồi Người nói với anh ta…”:

qua câu kết của câu chuyện, Đức Giêsu muốn xác định về hiệu quả của đức tin: đức tin đem lại sự sống : sự sống thể xác được khỏi bệnh, và sự sống phần hồn được thanh tẩy.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Nhìn vào Chúa Giêsu:

- việc Chúa chữa bệnh cho những người phong cùi trên đường Người đi Giê-Ru-Sa-Lem để dự lễ vượt Qua và chịu chết: là để loan báo về sứ vụ cứu thế của Người. Chúng ta cũng có thể dùng những việc từ thiện bác ái và phục vụ tha nhân để cộng tác vào sứ vụ cứu thế của Chúa và xây dựng Hội Thánh.

- Chúa Giêsu đã chữa bệnh cho những người Do Thái lẫn người Samaria: chứng tỏ Chúa không biệt đối xử, vì ơn cứu độ có tính cách phổ quát. Người kitô hữu khi phục vụ cần phải nêu cao tinh thần phổ quát của Hội Thánh bằng cách không biệt đối xử đối tượng thậm chí cả kẻ bách hại mình nữa.

- Chúa chữa bệnh phần xác lẫn phần hồn nơi người Samaria trong câu chuyện hôm nay. Chúng ta cứu giúp ai không phải chỉ vì nhu cầu phần xác, nhưng cả nhu cầu về tinh thần và nhất là tâm linh nữa.

2. Nhìn vào những người bệnh phong cùi:

- đồng bệnh tương lân, cùng số phận, họ biết sống chung liên đới với nhau; ở đây họ không phân biệt người Do Thái hay người Samari vốn cách biệt nhau trong xã hội.

- Biết giúp nhau đến xin Chúa Giêsu chữa bệnh và cả mười người đều được khỏi bệnh.

- Biết hiệp nhất với nhau vì danh Chúa thì có Chúa hiện diện và ban ơn là vì vậy.

3. Nhìn vào người Samaria:

- Được chữa bệnh phần xác vì niềm tin vào Chúa Giêsu.

- Nhưng cũng được chữa cả bệnh phần hồn vì đã sống niềm tin qua thái độ đến tôn vinh Thiên Chúa.

- Được ơn phần xác, chúng ta đừng quên biến đổi đời sống theo tinh thần của Chúa để được ơn phần hồn.

4. Nhìn vào chín người Do Thái không trở lại tôn vinh Thiên Chúa:

Những người Do Thái này vì quá lệ thuộc vào luật lệ của con người là đi trình diện với các tư tế, nên đã bị ngăn cản không trở lại tôn vinh Thiên Chúa được.

- Người kitô hữu chúng ta nhiều khi bị bổn phận của cuộc sống, đã ngăn cản, khiến chúng ta không được thong dong đến với Chúa trong những việc đạo đức.

- Những người này được ơn phần xác, nhưng đã không nhận ra nguồn gốc của ơn mình được, nên đã không vượt thắng những trở ngại để đến tôn vinh Thiên Chúa.

- Chúng ta thường quý ơn Chúa hơn là kính mến Chúa vì thế chúng ta thường vô ơn đối với Chúa./.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.